Hãng tin Anh Reuters lựa chọn những hình ảnh không gian, vũ trụ ấn tượng nhất chụp được tại các sự kiện khoa học không gian quan trọng trong năm 2014.
Khoảnh khắc tàu vũ trụ Soyuz TMA-15M được phóng lên từ Trung tâm Baikonur Cosmodrome của Nga ở Kazahkstan mang theo 3 phi hành gia Samantha Cristoforetti (người Ý), Anton Chkaplerov (người Nga) và Terry Kirts (người Mỹ) lên Trạm không gian quốc tế (ISS) ngày 24/11/2014. Cristoforetti là nữ phi hành gia Ý đầu tiên bay vào không gian, làm việc trên ISS - (Ảnh: REUTERS/Shamil Zhumatov)
Hình ảnh bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko do tàu thăm dò Philae chụp từ khoảng cách khoảng 7,8km hôm 26/10/2014. Tàu thăm dò Philae đáp xuống bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko ngày 12-11, đây là thiết bị vũ trụ đầu tiên trên thế giới đáp thành công xuống một sao chổi. Các nhà khoa học xác nhận Philae đã phát hiện các“phân tử hữu cơ” có chứa carbon - cơ sở của sự sống trên Trái đất trên sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko - (Ảnh: REUTERS/ESA/Rosetta)
Ngày 28/10/2014, tên lửa không người lái Antares 14 tầng của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) do Hãng Orbital Sciences Corp sản xuất phát nổ chỉ sáu giây sau khi được phóng lên từ bệ phóng Wallops Flight Facility tại đảo Wallops, bang Virginia (Mỹ). Theo kế hoạch ban đầu, tên lửa này có nhiệm vụ mang hàng tiếp tế của NASA lên ISS - (Ảnh: REUTERS/Matthew Travis/Zero-G News)
Hệ thống Đài Thiên văn Nam cực và Kính thiên văn BICEP tại Trạm Nam cực Amundsen-Scott trên nền trời dải ngân hà. Bức ảnh này được công bố hôm 17/3/2014 trong sự kiện nhóm nghiên cứu do các chuyên gia Trung tâm vật lý thiên văn Harvard - Smithsonian (Mỹ) dẫn đầu đã phát hiện sóng trọng lực khi quan sát bức xạ nền vũ trụ bằng kính thiên văn BICEP ở Nam cực. BICEP nhắm vào một khu vực có tên “lỗ hổng phía nam” bên ngoài dải ngân hà - nơi có ít bụi vũ trụ. Phát hiện sóng hấp dẫn ngay sau vụ nổ Big Bang được coi là chấn động khi vén dần bức màn về sự khai sinh của vũ trụ - (Ảnh: REUTERS/Keith Vanderlinde/National Science Foundation)
NASA công bố bức ảnh hôm 24/2/2014 được chụp từ ISS cho thấy hai miền Triều Tiên đối lập trong đêm. Triều Tiên (ở giữa) gần như chìm trong bóng tối, đối lập với láng giềng Hàn Quốc (dưới cùng bên phải) và Trung Quốc (phía trên bên trái) - (Ảnh: REUTERS/NASA-JSC)
Hiện tượng siêu trăng được quan sát in nền phía sau những dãy nhà ở thị trấn Olvera, tỉnh Cadiz, miền nam Tây Ban Nha hôm 12/7/2014. Khi siêu trăng diễn ra, Mặt Trăng trông sẽ sáng và to hơn bình thường - (Ảnh: REUTERS/Jon Nazca)
Mảnh vỡ của tàu không gian du lịch SpaceShipTwo được tìm thấy ở khu vực phía đông sa mạc Mojave, gần khu vực Cantil, bang California, Mỹ hôm 31/10/2014. SpaceShipTwo của tập đoàn Virgin Galactic đã nổ tan tành chỉ vài giờ sau khi được phóng thử nghiệm từ cảng hàng không và không gian Mojave. Vụ nổ đã làm một phi công thiệt mạng và một phi công khác bị thương nặng - (Ảnh: REUTERS/Lucy Nicholson)
Ông Jerome Vincent, giám đốc một trung tâm lặn trong trang phục không gian Gandolfi đang tập luyện “đi bộ” dưới một hồ bơi ở thành phố cảng Marseille, Pháp hôm 22/10/2014. Những bài thực hành dưới nước này nằm trong khóa huấn luyện nhằm mô phỏng những chuyến đi bộ trên mặt trăng, thiên thạch và sao Hỏa trong tương lai - (Ảnh: REUTERS/Jean-Paul Pelissier)
Tâm bão Arthur nhìn trên Đại Tây Dương do phi hành gia người Đức Alexander Gerst trên ISS chụp ngày 3/7/2014. Người dân Mỹ buộc phải hoãn hàng loạt hoạt động kỷ niệm ngày Quốc khánh (4/7) nhằm đối phó với cơn bão Arthur đang mạnh lên, đe dọa các bang ở Đông Bắc nước Mỹ. Đây là cơn bão đầu tiên trong mùa bão ở Đại Tây Dương năm 2014 - (Ảnh: REUTERS/Alexander Gerst/NASA)
Bức ảnh Mặt trời phản chiếu xuống đại dương do phi hành gia người Đức Alexander Gerst trên ISS chụp và đăng lên Twitter ngày 17/7/2014 - (Ảnh: REUTERS/Alexander Gerst/NASA)
|